Báo cáo Công tác An toàn lao động – Vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ tỉnh Thái Nguyên năm 2012

Tải về tại: ĐÂY


UBND TỈNH THÁI NGUYÊN

BCĐ TUẦN LỄ QUỐC GIA VỀ

AN TOÀN–VSLĐ –PCCN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số:         /BC-BCĐTLQG

Thái Nguyên, ngày        tháng 03 năm 2013

 

BÁO CÁO

Công tác An toàn lao động – Vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ

tỉnh Thái Nguyên năm 2012

 

I. Tình hình tai nạn lao động trên toàn quốc năm 2012:

Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong năm 2012 toàn quốc đã xảy ra 6.777 vụ tai nạn lao động làm 6.967 người bị nạn, trong đó, có  552 vụ tai nạn lao động chết người, làm chết 606 người; 1.470 người bị thương nặng; 95 vụ tai nạn lao động có 02 người bị nạn trở lên; nạn nhân là lao động nữ có 1.842 người.

II. Tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2012:

1. Tình hình tai nạn lao động:

 Theo báo cáo chưa đầy đủ (50 doanh nghiệp báo cáo), trong năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 126 vụ tai nạn lao động, với 126 người bị nạn, làm chết 10 người, bị thương 116 người.

a. Các doanh nghiệp để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nhất: Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty cổ phần Tập đoàn Vật liệu chịu lửa, Công ty cổ phần Cơ khí Phổ Yên (chi tiết xem bảng 1).

TT

Tên đơn vị

Số vụ

Số vụ chết người

Số người bị nạn

Số người chết

Số người bị thương nặng

1

Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG

34

0

34

0

03

2

Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội

15

0

15

0

01

3

Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên

11

1

11

01

07

4

Công ty CP Tập đoàn Vật liệu chịu lửa TN

11

0

11

0

05

5

Công ty cổ phần Cơ khí Phổ Yên

10

0

10

0

02

Bảng 1: Các doanh nghiệp xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất

b. Các doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động chết người:

Công ty cổ phần Khai khoáng Miền Núi (02 vụ); Công ty Than Núi Hồng – VVMI (01 vụ); Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (01 vụ); Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long (01 vụ); Chi nhánh Công ty cổ phần Cơ điện luyện kim Thái Nguyên – Nhà máy Tấm lợp gang thép (01 vụ); Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Trang Oanh (01 vụ); Công ty TNHH Xây dựng Hà Trung (01 vụ); Công ty TNHH Chiến Thắng (01 vụ); Công ty cổ phần Phụ tùng máy số I (01 vụ).

(Lưu ý: Công ty cổ phần Khai khoáng Miền núi là đơn vị 02 năm liền để xảy ra tai nạn lao động chết người).

c. Một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong năm 2012:

– Vụ tai nạn lao động xảy ra vào lúc 15giờ10 ngày 23/4/2012 tại Moong khai thác khu vực I – Mỏ khai thác khoáng sản Bản Ná của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Khoáng sản Thăng Long, do bờ moong thi công chưa đúng kỹ thuật nên bị sụt lở gây tai nạn lao động làm chết 01 công nhân.

– Vào lúc 2giờ40 ngày 25/5/212 tại Tổ máy KB của Nhà máy Tấm lợp Gang thép người lao động vi phạm quy trình an toàn lao động: Chỉnh sửa máy trong khi máy đang hoạt động, dẫn đến người lao động bị cuốn vào máy đánh ba via và gây ra tai nạn lao động chết người rất thương tâm.

– Vụ tai nạn xảy ra lúc 11h15 ngày 02/11/2012 tại Tổ lò số 1-Công ty cổ phần Khai khoáng Miền Núi, do người lao động vi phạm nội quy an toàn trong xây dựng giếng lò (không lắp đặt sàn bảo vệ trong quá trình làm việc dưới gương giếng) dẫn đến bơm nước rơi xuống trúng đầu người lao động gây chết người.

2. Tình hình bệnh nghề nghiệp:

– Tính đến 31/12/2012 toàn tỉnh Thái Nguyên có 666 người bị mắc bệnh nghề nghiệp (số liệu do Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên cung cấp).

– Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên, tính đến tháng 03/2013, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 2.202 người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.

3. Tình hình thực hiện công tác huấn luyện an toàn lao động:

– Tổ chức 49 lớp huấn luyện an toàn – vệ sinh lao động cho 2.235 người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2012, trong đó:

+ 02 lớp huấn luyện nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn – vệ sinh lao động cho 200 cán bộ huyện, xã, phường, thị trấn;

+ 04 lớp hỗ trợ huấn luyện áp dụng hệ thống quản lý an toàn – vệ sinh lao động cho người 200 người sử dụng lao động và người lao động của 02 doanh nghiệp được lựa chọn xây dựng mô hình điểm.

+ 38 lớp huấn luyện an toàn – vệ sinh lao động cho 1.585 người; gồm 710 người sử dụng lao động, 540 người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và 335 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

+ 05 lớp huấn luyện xây dựng hệ thống quản lý an toàn – vệ sinh lao động cho 250 người sử dụng lao động của hơn 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

– Kết quả huấn luyện an toàn – vệ sinh lao động cho người lao động của các doanh nghiệp theo thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2005 (tổng hợp báo cáo từ 50 doanh nghiệp): đã tổ chức huấn luyện cho 29.370 người lao động;  Huấn luyện cho 2.012 cán bộ an toàn vệ sinh viên; Cấp thẻ an toàn cho 5.034 người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

4. Công tác phòng cháy chữa cháy:

4.1 Tình hình cháy:

 Theo báo cáo của Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn – Công an tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2012 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xảy ra 50 vụ cháy, làm cháy 06 gian nhà, 04 kiốt bán hàng, 01 xe ô tô khách Huyndai 29 chỗ, 01 xe ô tô Daewoo trọng tải 0.5 tấn và một số tài sản khác trị giá 1.138.630.000 đồng. So với cùng kỳ năm 2011 số vụ cháy giảm 10 vụ (16.67%), thiệt hại giảm 51.362.320.000 đồng (4.5%).

4.2 Tình hình cháy rừng:

Toàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy rừng, thiệt hại cháy 28,77 ha rừng và 500 m2 thảm thực vật. So với cùng kỳ năm 2011 số vụ cháy giảm 04 vụ (20%). Thiệt hại tăng 13,05 ha rừng (88,4%).

4.3 Tình hình nổ:

Trong năm 2012 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 04 vụ nổ, làm bị thương 04 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1,6 tỷ đồng. So với năm 2011 số vụ nổ tăng 03 vụ (75%), thiệt hại tăng 1,6 tỷ đồng.

4.4 Kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC:

a. Công tác tuyên truyền:

– Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày toàn dân PCCC 04/10/2012.

– Tổ chức hội thao kỹ thuật nghiệp vụ PCCC tại 02 cụm công nghiệp (khu công nghiệp Gang thép và Sông Công) và 01 cụm quân đội với 42 đội PCCC cơ sở tham gia đạt kết quả tốt.

– Mở 195 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho các đối tượng theo quy định tại thông tư 04/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an tại 195 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với 6.427 người tham gia; Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lãnh đạo UBND các xã, ban quản lý chợ với 100 người tham gia; Hướng dẫn 167 cơ quan, đơn vị xây dựng bổ sung phương án chữa cháy theo quy định của Luật PCCC.

b. Công tác kiểm tra kỹ thuật an toàn PCCC:

– Kiểm tra công tác PCCC theo 21 lượt chuyên đề, chuyên ngành tại các cơ sở trên địa bàn. Qua kiểm tra an toàn PCCC phát hiện và lập 43 biên bản vi phạm hành chính, phạt tiền 43 trường hợp với số tiền phạt là 64.650.000 đồng.

5. Phân tích, đánh giá tình hình tai nạn lao động

5.1. Đánh giá chung:

Phân tích số liệu thống kê cơ bản về tình hình tai nạn lao động năm 2012 so với năm 2011 cho thấy: Số vụ tai nạn lao động và số nạn nhân đều giảm, số vụ tai nạn lao động chết người và số người chết cũng giảm (chi tiết tại bảng 2).

TT

Chỉ tiêu thống kê

Năm 2011

Năm 2012

Tăng/giảm

1

Số vụ

169

126

– 43 vụ

2

Số nạn nhân

173

126

– 47 người

3

Số vụ có người chết

13

10

– 03 vụ

4

Số người bị thương nặng

30

28

– 02 người

5

Số lao động nữ

40

46

+ 06 người

6

Số vụ có 02 người bị nạn trở lên

04

0

– 04 vụ

Bảng 2: So sánh tình hình tai nạn lao động năm 2011 và năm 2012.

5.2. So sánh các chỉ tiêu khác:

– Tần suất tai nạn lao động chết người là: 0,143/1.000 lao động.

– Lĩnh vực để xảy ra tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động nghiêm trọng năm 2012 vẫn là khai thác đá, khai thác khoáng sản, luyện kim và xây dựng.

– Những nghề có tỷ lệ xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người là Khai thác khoáng sản 05 người (chiếm 50%); Luyện kim 02 người (chiếm 20%); Vận hành máy, thiết bị cơ khí..03 người (chiếm 30% tổng số người chết vì TNLĐ).

5.3. Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động:

– Người bị nạn vi phạm quy phạm, quy trình, biện pháp làm việc an toàn: 69/126 vụ chiếm 54,76% số vụ tai nạn lao động.

– Nguyên nhân do khách quan khó tránh: 29/126 vụ chiếm 23,01%;

– Người khác vi phạm quy phạm, quy trình, biện pháp làm việc an toàn: 12/126 vụ chiếm 9.52% ;

– Người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc PTBVCN không tốt: 10/126 vụ chiếm 7,94%;

– Các nguyên nhân chưa kể đến: 03/126 vụ chiếm 2,38 %;

– Do không có thiết bị an toàn: 1/126 vụ chiếm 0,79% số vụ tai nạn lao động.

5.4 Thiệt hại do tai nạn lao động: trong năm 2012 thiệt hại do tai nạn lao động gây ra (chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết, người bị thương, trả lương…) là 7.144.000.000 đồng, tổng số ngày công người lao động nghỉ vì tai nạn lao động là 4.108 ngày.

5.5. Điều tra, xử lý các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng: xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được thực hiện kịp thời và đúng quy định.

5.6. Đánh giá công tác thống kê, báo cáo tai nạn lao động: Việc báo cáo, thống kê tai nạn lao động năm 2012 của các doanh nghiệp có chiều hướng giảm, chỉ có 50 doanh nghiệp tham gia báo cáo (năm 2010 là 80 doanh nghiệp, năm 2011 là 57 doanh nghiệp có báo cáo); một số doanh nghiệp có báo cáo đúng quy định như Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên, Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng, Công ty cổ phần Phụ tùng máy số I… Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa báo cáo đúng thời gian quy định, thậm chí không báo cáo tai nạn lao động (tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa), nhiều doanh nghiệp có báo cáo song chưa thống kê đầy đủ các số liệu theo đúng qui định tại thông tư số 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 21/5/2012 để cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia đánh giá chính xác tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cũng như tần suất xảy ra tai nạn lao động và tần suất xảy ra tai nạn lao động chết người.

Năm 2012, còn 3 doanh nghiệp xảy ra tai nạn lao động chết người nhưng không tham gia báo cáo tai nạn lao động theo qui định tại thông tư số 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT gồm Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long; Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Trang Oanh; Công ty TNHH Xây dựng Hà Trung.

III. Phương hướng nhiệm vụ thực hiện công tác An toàn – Vệ sinh lao động  – Phòng chống cháy nổ trong năm 2013 và những năm tiếp theo:

Để chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Tuần lễ QG về An toàn-VSLĐ-PCCN tỉnh Thái Nguyên đề nghị các thành viên ban chỉ đạo và các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện tốt các nội dung sau đây:

1. Đối với các ngành thành viên Ban chỉ đạo:

1.1 Các ngành thành viên Ban chỉ đạo (thường trực là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên) phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của nhà nước về an toàn lao động – vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động, đặc biệt đối với các hành vi không chấp hành nghiêm chỉnh công tác thống kê, báo cáo tai nạn lao động, theo quy định tại Nghị định số 47/2010/NĐ-CP ngày 6/5/2010 của Chính phủ.

1.2 Tổ chức huấn luyện đầy đủ về an toàn lao động cho người sử dụng lao động và người lao động theo quy định tại thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2005 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

1.3 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra kịp thời, xác định chính xác nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động chết người trong các doanh nghiệp để giúp các doanh  nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh sau tai nạn lao động xảy ra; Đảm bảo thời gian điều tra, lập biên bản các vụ tai nạn lao động, gửi biên bản điều tra tai nạn lao động chết người về Bộ Lao động – TBXH theo đúng quy định của pháp luật.

1.4 Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình quốc gia về An toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015 đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

1.5 Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác và phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ của người sử dụng lao động và người lao động.

1.6 Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy: huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho các đối tượng theo quy định tại thông tư 04/TT-BCA, ngày 31/3/2004 của Bộ công an và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng phương án chữa cháy theo quy định của Luật PCCC.

2. Đối với người sử dụng lao động:

2.1 Người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tổ chức kiểm tra máy, thiết bị và cải thiện điều kiện làm việc để đảm bảo cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn;

2.2 Xây dựng đầy đủ các quy trình, biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; Hướng dẫn cho người lao động trước khi làm việc; Tổ chức huấn luyện về an toàn – vệ sinh lao động cho người lao động theo thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2005;

2.3 Điều tra kịp thời các vụ tai nạn lao động, rút kinh nghiệm kịp thời và thống kê báo cáo TNLĐ theo đúng quy định;

2.4 Khám sức khoẻ định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

2.5 Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho người lao động tự giác chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Đặc biệt quan tâm tới những người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Thực hiện tốt công tác tự kiểm tra về phòng cháy chữa cháy tại đơn vị, chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC.

2.6 Thực hiện báo cáo theo đúng qui định tại thông tư số 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 21/5/2012 về cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia an toàn VSLĐ – PCCN hàng năm./.

Nơi nhận:

– UBND tỉnh Thái Nguyên (b/c);

– Cục ATLĐ, Bộ LĐTBXH (b/c);

– Các thành viên BCĐ TLQG;

– Lưu: VT, VLATLĐ.

KT. TRƯỞNG BAN

PHÓ BAN THƯỜNG TRỰC

 

 

 

 

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – TBXH

Nguyễn Thị Hằng

 Nguồn: Phòng Việc làm – An toàn lao động Sở LĐTB&XH Thái Nguyên